|
Làng An Trai được hình thành từ sớm. Theo bản thần phả còn lưu trong đình ghi "Đời Hùng Vương thứ 18, tôn thần Phan Tây nhạc qua xã Vân Canh, thấy dân phong thuần hậu, đồng lúa xanh tươi, nhà nhà đầy đủ cày cấy được mùa, thóc lúa dồi dào, bèn dựng một tòa tây hành cung...".
Làng trước dây có 4 xóm là xóm Trên, xóm Giữa, xóm Trong và xóm Ngoài (An Ngoại hạng). Điều đáng chú ý trong cư trú của làng là nhiều xóm đan xen với các xóm của làng Kim Hoàng, giữa các xóm này không bị ngăn cách bởi các rặng tre nên người ngoài vào rất khó phân biệt.
Trai đinh trong các dòng họ, xóm lúc đầu sinh hoạt trong 2 giáp là Đông và Tây. Về sau, không rõ từ bao giờ, các giáp chia thành 9 giáp và các giáp bên Tây đổi là bên Đoài. Bên Đông có 6 giáp Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Tam, Đông Tứ, Đông Ngũ và Đông Lục. Bên Đoài có 3 giáp là Đoài Nhất, Đoài Nhị và Đoài Tam. Khoảng trên dưới 130 năm trước đây, giáp Đông Tứ lại chia thành hai giáp là Đông Tứ và Đông Tứ Lương, nên có đến 10 giáp, dân làng gọi là Thập giáp y quan. Tục truyền, khi sửa đình, vì không muốn "lép vế", 3 giáp Đoài dù ít nhân đinh hơn nhưng vẫn nhận sửa một nửa đình, 6 giáp Đông không muốn để giáp ít đinh phải gánh vác nặng nề nên không chịu. Sau đó, hai bên thỏa thuận để 3 giáp Đoài chịu một phần ba, 6 giáp bên Đông chịu hai phần 3. Từ đó, thành lệ: mọi việc làng đều bổ theo nguyên tắc "Đông hai, Đoài một".
Làng An Trai có ông Ngô Tĩnh đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, đời Mạc Phúc Nguyên (1544)
Di tích lịch sử văn hóa có
Đình An Trai
Xưa ở đình Giải, khu vực ven đường thiên lý cổ Canh-Sơn Đông-Cổ Sở (đường 422B nay), được dựng vào khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680) - căn cứ vào hai bản khắc gỗ lưu trữ trong đình. Đến tháng Tư năm Nhâm Tý (1732), đình được chuyển về vị trí ngày nay. Đình nhìn hướng nam, chếch đông, kết cấu hình chữ Tam. Tòa bái đường có 5 gian, các vi kèo được làm theo kiểu giá chiêng kết hợp với chồng rường. Đình thờ Cổ mục phán quan Phan Ông Tây Nhạc Đại Vương và ba người vợ của ông là:
Tả phi nhân Thánh Thiện công chúa
Hữu Hoàng hậu Anh Duệ công chúa
Tam vị Hoa Dung công chúa.
Phan Ông Tây Nhạc sinh ngày 12 tháng 2 vào đời Hùng Vương thứ 18, quê ở vùng Hà Trung, châu Ái (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), là người có sức khỏe phi thường, tinh thông văn võ. Gặp lúc đất nước có giặc ngoại xâm, ông yết kiến vua và được phong làm tướng tiên phong đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công. Xét công lao của ông, Vua Hùng phong chức "Cổ Mục phán quan Phan Ông Tây Nhạc". Sau khi ông mất, dân các làng Hòe Thị, Thị Cấm và An Trai tôn làm thành hoàng làng, tổ chức lễ tế vào ngày Giỗ (mồng 1 tháng Chạp). Ba người vợ của ông được phối thờ.
Đình mới được trùng tu năm 2008, khánh thành năm 2009.
Chùa
Xa xưa làng có chùa Thú ở sát xóm 2 hiện nay, nay không còn.
Chùa Khái (Tường Quang tự): dựng năm Chính Hòa thứ 22 (Tân Tỵ, 1701). Sau khi chùa Tường Quang được xây dựng, chùa Thú ít được dân làng đến thắp hương cầu Phật, dần bị hoang phế .
Chùa Trên (Hạ Ngọc tự): theo bia Di bi vạn đại lập ngày tốt tháng Năm năm chính Hòa thứ 24 (Quý Mùi, 1703) ghi việc tạo dựng chùa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cả hai chùa đều bị hủy hoại nên vào năm 1952, dân làng tập trung tượng Phật và đồ thờ của chùa Tường Quang nhập vào chùa Hạ Ngọc và gọi tên chùa mới là Ngọc Quang tự, chính là chùa Ngọc Quang ở vị trí hiện nay, hoàn thành trùng tu lớn vào năm 2004.
Trước kia, làng An Trai có văn chỉ ở kế cận đình về phía tay phải, chính là khu vực nhà văn hóa của thôn hiện nay.
Hằng năm, lễ thức thờ thần chính của làng An Trai diễn ra từ mồng 7 tháng Giêng (tế khai hạ tại đình), mồng 8 lễ cáo yết thần đến mồng 9 lễ chính. Xưa kia làng Hòe Thị (cùng thờ Phan Tây Nhạc), rước kiệu lên để quan viên hai làng tế chung (do sự tích Phan Tây Nhạc dừng chân ở Hòe Thị tuyển quân, luyện quân rồi mới lên An Trai). Từ sau cách mạng tháng tám 1945, lệ này không còn được duy trì.
Ngày 12 tháng 2, làng cử đoàn quan viên, trai đinh đại diện rước kiệu xuống khu đình Cháy (làng Hòe Thị) để tế chung.
Tháng Chạp ngày giỗ của thần, tế ở đình.
(Theo PGS. Bùi Xuân Đính)
|
|