Quên mật khẩu
 Register
Tìm kiếm
Tìm kiếm nhanh: tranh kim hoang lang van canh
Xem: 15|Trả lời: 0

Nhà lưu niệm Bác Hồ

[Sao chép liên kết]

22

Chủ đề

2

Bài viết

86

Tín dụng

Administrator

gopy

Tín dụng
86
Đăng vào 4 ngày trước | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Khu nhà hai lần được Bác Hồ lưu lại làm việc



Nhà lưu niệm Bác Hồ​


Khu nhà trên vào thời điểm năm 1946 thuộc sở hữu của cụ Nguyễn Thông Phúc, chi trưởng dòng họ Nguyễn Phan ở thôn Hậu Ái. Toàn bộ khu nhà rộng hơn một ngàn mét vuông, được chia làm 3: Một nhà 2 tầng (tầng dưới 3 gian, tầng trên 1 gian) là nơi ở chính của gia đình cụ Phúc; một nhà ngói 3 gian là nhà thờ Ban chi dòng họ Nguyễn Phan; nhà ngang phía sau làm khu bếp. Ngôi nhà nằm ở giữa thôn Hậu Ái, có hai cổng rất thuận tiện cho việc đi lại

Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại ngôi nhà này, nơi đây đã là một địa chỉ tin cậy của Đảng. Số là cụ Thông Phúc có một người con là Nguyễn Phan Lễ, từng tham gia phong trào yêu nước khi còn là học sinh trường Bưởi, đến năm 1935-1936 được đồng chí Xuân Thủy giác ngộ hoạt động Cách mạng. Năm 1940, ông Nguyễn Phan Lễ bị Sở Liêm phóng của thực dân Pháp gọi lên thẩm vấn và sau đó không được làm việc tại Ga Hà Nội nữa.

Trở về quê nhà tại thôn Hậu Ái, ông Nguyễn Phan Lễ đã xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Đảng để mở trường học ngay tại nhà mình và lấy tên là Hứa Do. Khi ấy cụ Phúc đã nhường toàn bộ ngôi nhà 2 tầng mà gia đình đang ở để dùng làm trường Hứa Do.

Tại ngôi trường này, những học viên ngoài việc được truyền thụ kiến thức còn được giác ngộ Cách mạng. Trong gần 3 năm tồn tại (từ tháng 5/1942- 3/1945), cả thầy và trò của trường Hứa Do đều tích cực tham gia vào những hoạt động cách mạng tại địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi trường đóng cửa, những học sinh này vẫn tiếp tục hoạt động tại địa phương và sau đó tham gia Tổng khởi nghĩa (19/8/1945) giành chính quyền tại Hà Nội.

Là một địa chỉ đỏ của Cách mạng nên đầu tháng 3/1946, Đảng ta quyết định chọn nơi đây để họp Hội nghị mở rộng của Ban chấp hành Trung ương. Hội nghị được tiến hành trong 3 ngày (từ 3-5/3/1946), họp ngay trong gian nhà thờ Ban chi dòng họ Nguyễn Phan để bàn chủ trương “hòa để tiến” nhằm bảo vệ chính quyền non trẻ của ta lúc đó.

Và tối ngày 5/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đây chủ trì Hội nghị để thông qua đường lối thương lượng với thực dân Pháp. Sau Hội nghị này, Hồ Chủ tịch đã trở ra Hà Nội để ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với chính quyền thực dân.


Ảnh các vị lãnh đạo đã về làm việc tại nhà lưu niệm Hậu Ái​

Bác Hồ ở và làm việc

Thời điểm tháng 11/1946, khi ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Tại Hà Nội, chúng phối hợp với bọn phản cách mạng nhằm gây rối an ninh, chờ thời cơ lật đổ chính quyền. Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định đưa Bác ra vùng ngoại vi Hà Nội để đảm bảo an toàn cho Người trong quá trình lãnh đạo Cách mạng.

Và nhà cụ Nguyễn Thông Phúc được chọn để Bác Hồ đến ở và làm việc. Cần nói thêm, tại thời điểm này, ông Nguyễn Phan Lễ đã trở thành Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hà Đông; và một người con khác của cụ Nguyễn Thông Phúc là Nguyễn Phan Hợi (tức Lê Thành Công) là Bí thư Huyện ủy Hoài Đức (tỉnh Hà Đông).

Tối 26/11/1946, một chiếc ô tô bí mật đưa Bác Hồ cùng những người bảo vệ từ Bắc Bộ phủ qua Ngã Tư Sở vào Hà Đông. Qua cầu xi măng, xe rẽ ngoặt về hướng Sơn Tây, qua Đại Mỗ tới ngã tư Canh thì dừng lại. Từ trong xe, hai đồng chí bảo vệ Bác là Kháng và Định nhanh chóng bước ra quan sát xung quanh.

Thấy không có gì khả nghi, các đồng chí mới mở cửa để Bác và mọi người xuống xe. Bác lúc này mặc bộ quần áo the, khăn xếp, tay cầm ô, vai đeo ruột tượng, dáng dấp như một “cụ lý” từ phủ huyện về làng.


Trong thời gian lưu lại ngôi nhà này, Hồ Chủ tịch đã ký những sắc lệnh quan trọng:
Sắc lệnh 220/SL về tổ chức của Bộ Kinh tế; sắc lệnh 221/SL về việc cử ông Đào Hữu Dương giữ chức Đổng lý Sự vụ Bộ Cứu tế xã hội; sắc lệnh 223/SL ấn định hình phạt về tội đưa và nhận hối lộ; sắc lệnh 224/SL đổi tên Nha Sở ty thông tin tuyên truyền thành Nha Sở thông tin; sắc lệnh 225/SL về cử các nhân viên giữ chức trong Bộ Giáo dục; sắc lệnh 226/SL về tổ chức Bộ Lao động; sắc lệnh 227/SL ấn định thể lệ báo cáo pháp định; sắc lệnh 229 đặt tất cả các cơ quan quân sự dưới quyền Bộ Quốc phòng; sắc lệnh 230/SL ủy quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc cho ông Võ Nguyên Giáp.




Lúc này, đồng chí Lê Thành Công đã chờ sẵn để đón Bác. Bác Hồ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Vũ Kỳ và đội bảo vệ được dẫn theo đường tắt đi qua cánh đồng để theo lối cổng phụ vào nhà. Gia đình cụ Nguyễn Thông Phúc đã nhường toàn bộ gian nhà ở chính (trường Hứa Do xưa) của gia đình để Bác và đội cảnh vệ ở.

Bác làm việc, sinh hoạt trong tầng gác của ngôi nhà, còn đội bảo vệ túc trực phía dưới. Trong thời gian Hồ Chủ tịch ở tại đây, nhiều đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ thường xuyên đến làm việc với Bác. Và cũng tại ngôi nhà này, Hồ Chủ tịch đã ký để ban bố một loạt sắc lệnh quan trọng.

Hồi tưởng lại quãng thời gian Bác ở tại đây, bà Lê Thị Mão (vợ đồng chí Lê Thành Công, lúc đó hoạt động tại Hội Phụ nữ huyện Hoài Đức) cho biết: Vì là con dâu cụ Thông Phúc và sống tại căn nhà này nên tôi có biết một số sinh hoạt của Bác thông qua chị Thanh, người phục vụ của Bác. Người thường làm việc rất khuya và ăn rất ít.

Món ăn Bác thường dùng là rau cải luộc chấm với nước mắm trứng và mấy con cá khô. Tuy phải tập trung để làm nhiều việc nhưng sau mỗi bữa ăn có món tráng miệng nào ngon Bác thường chia ra và bảo chị Thanh đưa xuống mời cụ Thông Phúc.

Một nhân chứng khác là ông Nguyễn Phan Ngọ (tức Ngọc), lão thành cách mạng, người con đẻ còn sống duy nhất của cụ Nguyễn Thông Phúc cho biết: Thời bấy giờ, tôi là Bí thư Chi bộ xã Vân Canh (tương đương chức Bí thư Đảng ủy xã hiện nay), lúc Bác về tôi được đồng chí Chủ tịch huyện Hoài Đức báo cho biết để yêu cầu tôi bí mật bố trí thêm lực lượng canh phòng vòng ngoài trong thời gian Người ở tại đây. Khi đó, tôi về đến nhà thì Bác đã lên gác.

Trong quãng thời gian Bác ở tại đây tôi không được gặp Người lần nào vì mọi sinh hoạt của Người đều ở trên gác để đảm bảo bí mật. Rồi đến ngày 3/12/1946, tôi được đồng chí Nguyễn Lương Bằng báo cho biết đêm nay Bác sẽ rời khỏi nơi này và yêu cầu tôi làm người dẫn đường. Đêm hôm đó, khi Bác Hồ xuống thang gác thì cụ Thông Phúc đã đứng chờ ở dưới và chắp tay chào Bác.

Bác bắt tay cụ Thông Phúc và nói:

“Cảm ơn cụ đã giúp chúng tôi trong thời gian ở tại đây và nay xin tạm biệt cụ”. Cụ Thông Phúc nói: “Chúc cụ Chủ tịch đi mạnh khỏe và lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi”. Khi tôi dẫn đường đưa Bác ra ngã tư Canh thì ô tô chờ Bác đã đỗ ở đó. Hồ Chủ tịch bắt tay tôi và nói: “Cảm ơn đồng chí”




Những đồ dùng sinh hoạt của Bác​

Công trình được khôi phục lại

Sau sự kiện trên hơn nửa tháng, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các con cụ Nguyễn Thông Phúc theo kháng chiến, bản thân cụ Nguyễn Thông Phúc cũng đi sơ tán chỗ khác.

Năm 1947, khi biết xã Vân Canh là một ATK (an toàn khu) của T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ nên thực dân Pháp đã hạ lệnh đốt phá nhà cửa nơi đây. Nhà cụ Nguyễn Thông Phúc cũng bị chúng phá chỉ còn trơ lại nền.

Năm 1988, được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, địa phương- Đảng bộ, nhân dân huyện Hoài Đức và xã Vân Canh đã khởi công khôi phục lại nguyên trạng ngôi nhà chính của cụ Nguyễn Thông Phúc- di tích lưu niệm nơi dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường trường kỳ kháng chiến.

Công trình được khánh thành và mở cửa cho khách tham quan vào ngày 19/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nhà lưu niệm Bác Hồ này, gian gác được bài trí như khi Hồ Chủ tịch ở và làm việc với những kỷ vật của gia đình còn giữ lại được và một số hiện vật phục chế khác. Tầng dưới được dùng làm nơi tưởng niệm Bác Hồ.

Ngày 18/05/2019, sau hơn bảy tháng ( từ tháng 10/2018) , việc tu bổ, tôn tạo, địa chỉ lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đã hoàn thành với các hạng mục: cải tạo nhà lưu niệm trên diện tích 191 m²; khôi phục nhà thờ tổ nơi Trung ương Đảng họp; xây mới tường bao xung quanh; cải tạo lắp đặt hệ thống chiếu sáng; trồng cây xanh, ghế đá kiến tạo cảnh quan sân vườn và một số hạng mục phụ trợ.

Nơi đây trở thành một điểm du lịch lịch sử - văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Lời giới thiệu di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ



Từ đầu tháng 3 năm 1946 đến ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngôi nhà này đã chứng kiến ba sự kiện lịch sử gắn liền với những ngày đầu toàn quốc kháng chiến:
* Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mở rộng họp từ ngày 3,4 và 5 tháng 3 năm 1946. Hội nghị bàn vấn đề "HÒA ĐỂ TIẾN", thông qua quyết định ký hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946
* Tối ngày 26.11.1946 đến ngày 3.12.1946, Hồ Chủ Tịch chuyển về ở và làm việc tại căn phòng gác hai của ngôi nhà này. Trong thời gian ở đây, Bác đã làm việc nhiều lần với các đồng chí thường vụ trung ương Đảng, quyết định những chủ trương về cuộc kháng chiến lâu dài.
* Cũng tại căn gác nơi Bác ở và làm việc, tối 19.12.1946, các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đã họp, bàn việc chỉ đạo và theo dõi ngày toàn quốc kháng chiến.
Bản mệnh lệnh kháng chiến của Bộ quốc phòng được các đồng chí thông qua tại đây và nhanh chóng truyền đi khắp mọi nơi để động viên toàn dân chiến đấu.


Hòm thư góp ý: [email protected]
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Register

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Dark room|Vân Canh

GMT+7, 21-11-2024 17:22 , Processed in 0.061356 second(s), 24 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách