Đại Bi Tự ( chùa Kim Hoàng )

webmaster

Administrator
Nhân viên
Chùa Kim Hoàng có ít nhất từ đầu thế kỷ XVIII. Tên chữ: Đại Bi Tự
RiwJAmx.jpg

Lược sử
Ngày nay xã Vân Canh phía đông giáp tỉnh lộ TL70a, phía bắc giáp thôn Tu Hoàng (phường Phương Canh), phía tây giáp xã Di Trạch và Lại Yên, phía nam giáp thôn Miêu Nha (phường Tây Mỗ). Vùng Canh vốn nổi tiếng là một trong "tứ danh hương" ở ven đô với tên nôm: Mỗ, La, Canh, Cót. Xã Vân Canh hình thành đã lâu đời, ít nhất là từ thời Lý và tên xã đã xuất hiện vào thời Lê sơ.

Xã gồm 3 thôn: Kim Hoàng, An Trai và Hậu Ái (Nhân Ái). Thôn Kim Hoàng vào khoảng cuối thế kỷ XVI được sáp nhập vả có tên ghép từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Căn cứ vào nội dung tấm bia Hậu Phật trong ngôi chùa làng này với tên chữ là Đại Bi Tự, có thể đoán ít nhất chùa đã có mặt từ đầu thế kỷ XVIII (thời Lê trung hưng). Gần đây đình và chùa làng Kim Hoàng đều được trùng tu theo chủ trương biến đổi Vân Canh thành một địa chỉ du lịch văn hoá.

Kiến trúc
Trải qua hơn ba thế kỷ chùa Đại Bi đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, dáng vẻ ngày nay mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tam quan ngoại xây kiểu 2 tầng, 8 mái đắp ngói ống giả với 3 cửa mở ra con đường dẫn đến cổng phía tây của làng Kim Hoàng cách đó chừng 50m. Sau tam quan ngoại là vườn trước, hai bên có hai ao nước hình chữ nhật

Du khách theo con đường gạch ở giữa vườn trước để đến tam quan nội nằm phía sau pho tượng Quan Âm Nam Hải đứng trong một lầu lục giác mới xây. Tam quan nội là một phương đình kiểu 2 tầng, 8 mái, 16 cột, 1 gác chuông, hai bên có cửa phụ đưa khách vào chùa trong. Tiền đường 7 gian, đầu hồi bít đốc, mặt nhìn về hướng nam qua sân và phương đình; lưng nối với thiêu hương và thượng điện theo hình chữ "Công". Các nếp nhà phụ nằm ở sân sau.

Di vật
Trong chùa Kim Hoàng hiện vẫn còn hai tấm bia hậu ở hai gian bên của tiền đường. Bia thứ nhất có hai mặt chữ khắc chân phương, được dựng ngày 26 tháng Một năm Giáp Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 25 (1704). Nội dung văn bia cho biết: bà Lê Thị Thu, hiệu Diệu Trí, vốn con nhà giàu quyền quý, quê ở huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, cùng chồng là Huyện thừa huyện Nghi Dương, họ Nguyễn, tự Xuân Thung, hiệu Trung Tín, tước Cơ Thọ nam, đã hiến cho chùa 18 quan tiền cổ và 1 mẫu 1 sào rưỡi ruộng, được làng tôn làm Hậu Phật.

Bia thứ hai cũng có hai mặt chữ khắc chân phương. Một mặt ghi ngày mồng 4 tháng Tư niên hiệu Bảo Thái thứ sáu (1725) ghi việc bà Nguyễn Thị Trưng cúng cho làng một mẫu ruộng để phục vụ việc thờ cúng trong chùa và tu bổ giếng trước cửa chùa. Mặt sau soạn bởi Tiến sĩ Trần Hiền, người làng, được lập ngày tốt, tháng Chín năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (Ất Mão 1735), ghi việc làng nhớ công ơn của ông Nguyễn Xuân Thung, bà Lê Thị Thu và bà Nguyễn Thị Trưng đã góp công tu bổ chùa.

Ngoài ra còn có quả chuông "Đại Bi tự chung" treo trên gác tam quan chùa Kim Hoàng. Chuông được đúc vào ngày 13 tháng Năm (trọng Hạ), năm Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ bảy (1799) triều Tây Sơn. Bài văn bia do Tri huyện Mỹ Lương là Nguyễn Thông Tế soạn, có bài minh 28 câu ca ngợi cảnh đẹp của chùa.
 
Bên trên