Quy tắc trên mâm cơm ai cũng nên biết

webmaster

Administrator
Nhân viên
Các cụ ngày xưa có câu: " Học ăn, học nói, học gói, học mở ". Vậy cùng tìm hiểu xem cách ứng xử hợp lý trên mâm cơm của người Việt Nam.

1. Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.

2. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung, không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn.

3. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.

4. Khi muốn tiếp thức ăn cho người khác, phải dùng đũa riêng (chuyên để tiếp thức ăn), hoặc phải trở đầu đũa.

5. Ngồi ăn dù trên chiếu hay trên ghế đều không được rung đùi, rung đùi là tướng bần tiện của nam, dâm dục của nữ.

6. Không ngồi chống cằm trên bàn ăn và không gõ đũa, chén, thìa.

7. Tránh cơm đầy trong miệng mà nói, nếu bị cay xin phép ra ngoài hắt xì, xỷ mũi.

8. Khi chấm, không chấm đũa vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăn, miếng đã cắn dở cũng không được chấm.

9. Không ăn trước người lớn tuổi. Nếu đi làm khách không gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm (trừ ra bạn được đề nghị gắp trước, trong một dịp nhất định).

10. Khi làm khách tuyệt đối không chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách.

11. Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình, phải ăn hết thức ăn trong bát, không để sót lại canh hay cơm.

12. Trẻ em quá nhỏ, nên dọn mâm riêng và có người trông chừng để tránh gây lộn xộn bữa ăn của người già, tới 6 tuổi là ngồi cùng mâm với cả nhà được sau khi đã thành thục các quy tắc cơ bản.

13. Nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa riêng, không để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.

14. Ăn từ tốn, không ăn hối hả, khi ăn không được để thức ăn vung vãi ra bàn, ra tay.

15. Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.

16. Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.

17. Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn.Nếu thấy thức ăn lớn nên xin cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện.

18. Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.

19. Ngồi đâu là theo sự xếp chỗ của chủ nhà, không tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi.

20. Không được phép quá chén, nên thành thực nói trước về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.

21. Không mút hoặc liếm đũa.

22. Không khua đũa [vào bát] khi và cơm.

23. Không lấy đũa chùi miệng.

24. Không chép miệng khi nhai.

25. Không lật ngửa thìa hay muôi. Nên úp thìa, muôi xuống thành bát (/tô /đĩa) sau khi dùng.

26. Đặt đũa xuống mâm trước khi dùng thìa hoặc muôi; không kẹp theo đũa khi chan, múc.

27. Tránh ngồi gần mâm quá. Nên cách một cẳng tay. Tránh chồm lên khi gắp thức ăn ở xa. Nếu cần, nên đề nghị người khác giúp.

28. Tránh văng nước bọt khi nói chuyện trong bữa ăn.

29. Tránh vẩy hoặc giũ khi gắp hoặc chấm.

30. Tránh và [cơm] nhiều hơn 3 cái/ lần.

31. Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, tránh ngả ngớn, xiêu vẹo hay cúi gằm.

32. Tránh húp thành tiếng sột soạt.

33. Cố gắng vét sạch bát và ăn hết thức ăn thừa trước khi nhờ xới thêm cơm.

34. Tránh để thức ăn, dầu mỡ... day lên mặt.

35. Không ngó hoặc nhìn chằm chằm vào bát người khác.

36. Tránh mút tay sau khi gặm xương.

37. Nên tránh ngồi đầu hướng gió hoặc che gió người khác.

38. Không để xương ra mâm, thay vào đó nên xin một cái bát để đựng.

39. Không huơ đũa khi nói chuyện trong lúc ăn.

40. Nên lau miệng sạch sẽ trước khi uống (/nước/ rượu/ bia), tránh để váng trong ly (/cốc).
 
Bên trên