|
LÀNG HẬU ÁI
Làng Hậu Ái nằm ven đường cổ từ Thăng Long qua Cầu Diễn - Ngã tư Canh - Sơn Đồng - Bến Giá (Yên Sở), nay là Đường tỉnh 422 B; là một trong bảy làng Canh, suốt thời phong kiến cho đến ngày nay, cùng với hai làng Kim Hoàng (Kim Bảng, Hoàng Bảng) và An Trai hợp thành xã Vân Canh (huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây thời Lê; đến tháng 11 - 1831, huyện này cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, sau đó thuộc nhiều đơn vị hành chính khác nhau; ngày nay thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).
Theo lưu truyền dân gian, xa xưa, làng Hậu Ái ở Gò Tu (có chùa Tu) và Đống Mối, giáp làng Lại Yên. Dấu tích còn lại đến ngày nay là nền chùa Tu, xứ đồng Chùa Tu, có một trụ đá cao một mét, rộng 0,3 mét, khắc bốn chữ “Trưởng quan thổ trạch” (đất ở, của vị trưởng quan), tương truyền là đất ở của Đỗ Kính Tu, dấu tích là các địa danh như Mồ Thí, Bồ Đề, Bụi Than, Mồ Át còn đến ngày nay. Về sau, Đỗ Kính Tu làm quan trong to triều Lý, được cắm đất làm dinh, đã cho dời về vị trí của làng hiện nay.
Làng Hậu Ái trước kia mang tên là Di Ái (ngụ ý chỉ làng có nhiều người di cư từ châu Ái, tức Thanh Hóa ra từ giữa thế kỷ XV trở đi). Trong đình hiện còn bức hoành phi “Cổ Di Ái” lập mùa Đông năm Mậu Thân đời Duy Tân (năm 1908).
Đến đầu thời Lê - Trịnh (1593 - 1787), làng Di Ái (không rõ vì sao lại trùng tên với làng Di Ái tức Di Trạch ngày nay?), đổi tên thành Nhân Ái, đến năm Canh Thìn 1820, vì kỵ húy Vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân Hoàng đế) nên đổi tên thành Hậu Ái.
Làng có các xóm: Chúc, Quán, Giữa, Bìm (Lý Nhân), Chùa, Trong (Đình Tự), Dộc, Đồng (Hưng Nhân), Đình, Thích Gia.
Trai đinh trong làng Hậu Ái lúc đầu sinh hoạt trong 4 giáp (bài văn trên quả chuông Đại Ý tự chung lập năm Bính Thân đời Vua Minh Mạng, 1836 vẫn ghi làng có 4 giáp, song không cho biết tên cụ thể từng giáp). Đến đầu thế kỷ XX, làng có 5 giáp là: Đông Nguyễn, Đông (hay Đông Giáp), Đoài Nhất, Đoài (hay Đoài Giáp), Đông Thượng.
Làng Hậu Ái trước đây hình thành một phường tư cấp trên phạm vi cả làng, có mục đích gây quỹ để hỗ trợ nhau trong cuộc sống thường ngày. Bản khoán lệ lập năm Đồng Khánh thứ ba (Mậu Tý, 1888) quy định cách thức tổ chức và hoạt động của phường, quyền lợi và nghĩa vụ của người vào phường… Các xóm cũng lập phường cấp riêng.
Làng Hậu Ái có ngôi đình tọa lạc ven đường 422B, nhìn hướng Nam, kết cấu chữ “Đinh” gồm bái đường (5 gian), nối với hậu cung (3 gian). Cấu trúc và kiến trúc, điêu khắc đình hiện nay dựa trên lần tu bổ hoàn thành vào tháng Giêng năm Giáp Dần đời Vua Duy Tân (tháng 2/1914).
Đình Hậu Ái (Ảnh, tác giả, 2008) thờ Đỗ Kinh Tu, người làng và là nhân vật lịch sử đã đi vào sử sách của nước ta vào thời Lý. Về năm sinh, năm mất của ông, có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, song tài liệu chép ông sinh năm Nhâm Thìn (năm 1172 là không đúng), vì năm Nhâm Dần - 1182 ông đã được cử làm Đế sư (thầy dạy vua). Một số tài liệu chép đỗ thái học sinh thời Lý (như tiến sĩ sau này) là không chuẩn xác, vì theo hàm quan thì ông là một võ quan. Các cuốn sử thời phong kiến đều chép ông làm “Đế sư” (thầy dạy vua - Lý Cao Tông), “trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh Thái hậu không còn ý định lập con khác lên làm vua nữa”. Nhà Sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Ông vỗ về dân xa, dẹp yên giặc giã, được dự vào hạng có công lao”. Tháng Mười năm Canh Dần (tháng 11/ 1210), Vua Lý Cao Tông ốm nặng, cho gọi Đỗ Kính Tu vào nhận mệnh ký thác, lập Hoàng tử Sảm lên ngôi, tức Vua Lý Huệ Tông. Kính Tu “hầu hạ nơi màn trướng, giúp vua sửa đức”. Có thể nói, sau khi Thái úy Tô Hiến Thành mất (tháng Sáu năm Kỷ Hợi - 1179) thì Đỗ Kính Tu là người chèo chống cơ đồ nhà Lý. Do công lao đó, ông được ban quốc tính (họ của vua) nên ông còn có tên là Lý Kính Tu.
Mả Am
Gò Nàng
Về năm mất của Đỗ Kính Tu, cũng có nhiều ghi chép khác nhau, song nhiều khả năng vào năm Tân Mùi - 1211, sau khi Lý Huệ Tông vừa mới lên ngôi đã “đem việc nước giao cho Thái úy Đàm Dĩ Mông - một kẻ không học thức, không có mưu thuật nên chính sự nước nhà ngày càng đổ nát. Về nguyên nhân cái chết của ông, bản Thần phả do Tiến sĩ Nguyễn Bá Đôn soạn năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Mùi, 1859) chỉ rõ, Đỗ Kính Tu thấy được nguy cơ mất nước của nhà Lý khi quyền hành trong triều rơi vào Đàm Dĩ Mông nên đã cáo lui về quê. Ông tổ chức cho dân làng và các làng bên đào con ngòi để tiêu nước từ đồng Trầm ra sông Nhuệ, thuận lợi cho việc cày cấy. Song, có kẻ trong triều vu cho ông có ý làm phản. Không sao bộc bạch được nỗi lòng của mình, Đỗ Kính Tu cùng người tiểu đồng cưỡi ngựa ra bến sông Hồng ở làng Kẻ (nay là làng Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) trầm mình xuống dòng sông. Thương tiếc ông, dân làng đưa ông về an táng ở đầu làng, nay gọi là Mả Am, gần khu Gò Nàng - nơi 18 người vừa là vợ, vừa là nàng hầu của ông tuẫn tiết theo, nay là khu vực có lăng mộ ông, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; đồng thời tôn ông làm Phúc thần.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Đôn đã có đôi câu đối (hiện còn lưu trong đình) để nói lên nỗi lòng của Đỗ Kính Tu và ca ngợi ông:
Thắng địa đốc sinh hiền, văn võ tài du vi quốc bảo,
Đăng sơn nan vãn nhật, anh hùng tâm sự phó giang lưu.
(Đất đẹp sinh người hiền, văn võ toàn tài là của báu của đất nước,
Lên núi ngày đã tàn, người anh hùng gặp sự nên phó thác phận mình với dòng sông).
(Câu đối ý chỉ Đỗ Kính Tu phụng sự đất nước khi nhà Lý đã suy tàn, song cũng gắng để lại tài đức với núi sông).
Trong đình còn lưu 5 đạo sắc phong của Đỗ Kinh Tu và Thủy thần (từ đình Chợ Đìa chuyển về).
Trước cửa đình còn tấm bia khổ lớn “Đồng khẩu thạch kiều bi ký” lập ngày Tốt, tháng Tám năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (tháng 9/1735) do Tiến sĩ Trần Hiền (người làng Kim Hoàng) cùng hai người vợ đứng ra dựng cầu Đá Năng cho dân đi lại làm đồng. Rất nhiều quan lại triều đình và trấn Sơn Tây đã góp tiền vào việc dựng cầu.
Hàng năm, vào ngày 21 tháng Năm là ngày mất của Đỗ Kính Tu, dân làng Hậu Ái tổ chức tế ông tại đình. Tục truyền, khi còn sống, Đỗ Kính Tu đã hiến cho làng 4 mẫu ruộng để làm ruộng tế, sau này làng phân cho các giáp cày cấy để biện lễ.
Làng Hậu Ái còn thờ vị thủy thần, chính là vị thần ở đình Chợ Đìa, chung với hai làng Kim Hoàng và An Trai.
Làng có chùa Đại Ý, được dựng muộn nhất vào giữa thời Lê Trung Hưng (theo bia hậu Phật được lập ngày 12 tháng Ba năm Long Đức thứ hai (25- 4 - 1733). Bài văn bia ghi rõ bà Lê Thị, hiệu Từ Trí, vợ viên Cẩn sự Tá lang đã cúng cho làng 1 mẫu 9 sào ruộng, nên được dân làng tôn làm Hậu Phật. Chùa có kiến trúc chữ “Đinh”, gồm bái đường (5 gian xây bít đốc), Phật điện (3 gian). Trong chùa còn quả chuông “Đại Ý tự chung”, đúc ngày 17 tháng Một năm Bính Thân đời Vua Minh Mạng (24 - 12 - 1836). Trong số những người góp tiền của để đúc chuông, có cả Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa và nhiều người ở các phường thuộc tỉnh thành Hà Nội.
Hậu Ái cũng là làng có truyền thống học hành, đỗ đạt, với 6 người đỗ đại khoa (học vị tiến sĩ), 21 đỗ trung khoa và nhiều người đỗ tiểu khoa, tập trung vào hai dòng họ Nguyễn và Lê. Những người đỗ đại khoa là Nguyễn Hành (khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính, 1532); Nguyễn Lang (hay Nguyễn Lương (1519 - ?, con Nguyễn Hành, khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch, 1550); Nguyễn Bá Đôn (khoa Tân Hợi niêu hiệu Tự Đức, 1851). Họ Lê có Lê Củ Phương (Hoàng giáp khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa, 1541), Lê Đức Vọng (khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa, 1637).
Ngoài ra còn có 3 người đỗ tương đương tiến sĩ là Lê Đức Nghiệp (khoa Hoành từ, Lê Địch Văn, Lê Địch Giáo (khoa Sĩ vọng), tất cả đều không rõ khoa.
Theo bản hương ước bổ sung (bản gốc lập năm Vĩnh Thịnh thứ 14, 1715) vào tháng 2, năm Tự Đức thứ 18, 1865 thì Văn chỉ ở trên gò đất cửa Chùa rộng 2 sào 2 thước, chia làm 3 ban: ban Trung thờ và ghi danh những người đỗ Đại khoa, ban Hữu thờ và ghi danh những người đỗ trung khoa (Hương cống, Cử nhân), ban Tả thờ và ghi danh những người đỗ tiểu khoa (Sính đồ, Tú tài). Nay Văn chỉ không còn, một số tấm bia của Văn chỉ được dựng vào trong đình. Hàng năm, vào ngày 23 và 24 tháng Hai làm lễ tế Xuân tế, còn Thu tế tiến hành vào ngầy 23 và 24 tháng Tám.
Trên nền truyền thống hiếu học, khoa bảng, người làng Hậu Ái sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Giữa năm 1943, để mở rộng cơ sở cách mạng và đẩy mạnh các hoạt động cách mạng, các cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ đang hoạt động ở làng Hậu Ái đã phát động phong trào truyền bá Quốc ngữ, lập Hội truyền bá Quốc ngữ miền Nhuệ Giang (tức vùng Canh), do Nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện làm Hội trưởng, lấy trường Tư thục Hứa Do đặt trong làng Hậu Ái làm trụ sở. Nhờ có phong trào này, cơ sở cách mạng và phong trào cách mạng vùng Canh ngày càng mở rộng. Từ giữa năm 1944, Hậu Ái cùng với Kim hoàng là một điểm trong An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong hơn một năm xây dựng chế độ mới và chuẩn bị kháng chiến, làng Hậu Ái - xã Vân Canh đã đi vào lịch sử đất nước với ba sự kiện đáng ghi nhớ.
Nhà lưu niệm Bác Hồ
- Trong hai ngày mồng 4 và 5 - 3 - 1946, tại ngôi nhà ngang của cụ Nguyễn Thông Phúc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thông qua chủ trương ký Hiệp định Sơ bộ, tạm hòa với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước, nhằm tránh một lúc phải đối phó với hai kẻ thù.
- Từ ngày 26 - 11 đến ngày 3 - 12 - 1946, tại căn nhà gác của cụ Nguyễn Thông Phúc - trụ sở của trường Hứa Do cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cao cấp nhất của Đảng : Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ đã về làm việc. Tại đây. Hồ Chủ tịch đã ký nhiều văn bản quan trọng như “Quyết định thành lập Bộ Lao động”, “Lời kêu gọi đồng bào thành lập Quỹ nghĩa thương để chuẩn bị kháng chiến” và đặc biệt là “Ấn định hình phạt về tội đưa và nhận hối lộ”.
- Đêm 19 - 12 - 1946, cũng tại ngôi nhà gác của cụ Nguyễn Thông Phúc, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ đã về để theo dõi tình hình chiến sự ở Thủ đô và bàn việc chỉ đạo chiến đấu. Bản “Mệnh lệnh kháng chiến” của Bộ Quốc phòng được các đồng chí thông qua tại đây, sau đó được hai chiến sĩ tự vệ làng Hậu Ái chuyển gấp tới Đài Tiếng nói Việt Nam để phát trên là sóng của Đài, truyền đi các nơi, động viên quân và dân cả nước chiến đấu.
Ngôi nhà trên nay đã được phục dựng như nguyên bản.
Ngày nay, làng Hậu Ái đang có những đổi thay to lớn, hoà mình cùng công cuộc đổi mới của các làng quê trong huyện Hoài Đức.
-- Tư liệu và hình ảnh do bạn Trần Tuấn Anh biên soạn.
|
|