Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm kiếm
Tìm kiếm nhanh: van canh lich su lang canh
Xem: 27|Trả lời: 0

Lịch sử làng Kim Hoàng

[Sao chép liên kết]

16

Chủ đề

1

Bài viết

82

Tín dụng

Administrator

Contact

Tín dụng
82
Đăng vào 27-11-2024 08:01:10 | Hiển thị tất cả tầng |Chế độ đọc
Làng Kim Hoàng vốn gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp thành vào đầu thế kỷ XVIII. Làng Kim Bảng ở phía trái đình hiện nay, làng Hoàng Bảng ở bên phải đình. Cả hai làng đều thờ thần Sông và thần Đất, sau khi dựng đình chung thì cùng rước hai vị vào thờ ở đình. Bức hoành phi “Lưỡng Bảng hội đình” ở gian giữa đình làng cho biết điều này.


Cổng làng Kim Hoàng


Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng Kim Hoàng cùng các làng Hậu Ái và An Trai hợp thành xã Vân Canh thuộc tổng Hương Canh (thời Đồng Khánh 1886- 1888), đổi thành Phương Canh), huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ tháng 11 - 1831, huyện Từ Liêm chuyển về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm 1902 là tỉnh Cầu Đơ, 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông)..
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Vân Canh một xã thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tháng 11 - 1946, xã Vân Canh hợp nhất với xã Phương Canh thành Liên xã Canh, sau đổi thành xã Thọ Nam, gồm 7 thôn (làng): An Trai, Kim Hoàng, Hậu Ái, Hòe Thị, Thị Cấm, Ngọc Mạch và Miêu Nha). Đến giữa năm 1956, xã Thọ Nam được tách thành hai xã Thọ Nam và Xuân Thủy:
- Xã Thọ Nam gồm bốn thôn (làng cũ): Kim Hoàng, Hậu Ái, An Trai và Miêu Nha. Năm 1970, thôn Miêu Nha được chuyển về xã Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội); đồng thời xã Thọ Nam được đổi thành xã Vân Canh.
- Xã Xuân Thủy (năm 1959, đổi tên thành xã Xuân Phương) gồm ba thôn: Hòe Thị, Thị Cấm và Ngọc Mạch (nay chia thành hai phường Xuân Phương và Phương Canh thuộc quận Nam Từ Liêm).
Đến đầu thế kỷ XX, làng Kim Hoàng là nơi sinh sống của 27 dòng họ, gồm 14 họ Nguyễn, 4 họ Trần, 3 họ Bùi và các họ: Đàm, Lý, Chu, Khúc, Vũ, Vương. Ghi ơn công khai lập của các dòng họ, hàng năm trong chầu tế thần vào ngày hội làng, đến tuần tiến rượu thứ hai, hai người “thượng hương” phải xướng mời “Chư vị tính danh” (tổ tiên các dòng họ) về hưởng lộc.
Ngoài cấy lúa, dân làng Kim Hoàng còn có sản phẩm cam Canh nổi tiếng, với kỹ thuật trồng và chăm sóc rất khoa học, kỳ công. Làng còn có nghề trồng các loại rau để cung cấp cho thành phố Hà Nội (phát triển nhất từ đầu thế kỷ XX, khi các giống rau từ Pháp như bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách được nhập vào Việt Nam). Nhiều người còn ra các làng ngoại thành Hà Nội như Vĩnh Tuy, Láng, Bưởi, cả một số làng ở bờ Bắc sông Hồng, như Gia Quất (huyện Gia Lâm, nay thuộc quận Long Biên) để thuê đất trồng rau bán.
Nghề thủ công có dệt vải khổ hẹp, thêu (thêu trắng, thêu màu, thêu ren). Có thời gian hầu như gia đình nào cũng dệt và thêu. Một số gia đình có truyền thống làm thuốc Bắc, châm cứu. Đặc biệt, trước năm 1915, làng xưa kia là làm tranh dân gian hay tranh đỏ để bán Tết; sau trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915 gây lụt lội, nghề bị suy giảm rồi mất hẳn.
Làng Kim Hoàng trước đây có 9 xóm: Đình Vạng, Chùa, Dinh, Đồng Sổ, Lỗ, Đồng, Trong, Dưới và Giữa. Về sau, xóm Dinh tách thành hai xóm: Dinh Trong và Ngoài Dinh) nên thành 10 xóm.
Khi hợp nhất thành làng Kim Hoàng, vào đầu thế kỷ XVIII, hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng có 4 giáp (văn bia không ghi rõ các giáp cụ thể của từng làng): giáp Trù (Chùa), giáp Đông, giáp Trung và giáp Đình. Về sau, làng Kim Hoàng được chia lại thành 6 giáp: giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Đình Nguyễn, giáp Đình Bùi, giáp Trung Nguyên và giáp Trung Chính. Trai đinh sinh ra sửa lễ vào giáp vào ngày 12 tháng Hai.


Đình làng Kim Hoàng nhìn từ trên cao


Đình làng Kim Hoàng hiện nay vốn là đình chung của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng như đã trình bày. Trước kia, hai làng có đình riêng, đều là đình lá. Đến cuối thế kỷ XVII, hai làng dựng đình chung, mỗi bên dựng một nửa đình (hai gian bên phải theo hướng đình là của làng Hoàng Bảng, hai gian bên trái của Kim Bảng, gian giữa hai bên dựng chung). Hàng chữ trên cột cái đình cho biết, đình được cất nóc vào ngày mồng 3 tháng Hai năm Chính Hòa thứ 22 (12 - 3 - 1701). Tục truyền, toàn bộ khu đất đình làng hiện nay do một người là Phủ sinh (học sinh trường phủ) hiến cho làng. Vì không muốn làng phải mang ơn của mình, vị Phủ sinh này xin làng không dựng bia ghi danh và tôn mình làm hậu thần theo lệ tục thông thường của làng Việt. Song, công đức của ông vẫn được làng ghi nhận, mặc dù, theo thời gian, dân làng không còn nhớ đến tên tuổi của ông nữa. Đến năm Giáp Tuất đời Tự Đức (năm 1874), làng làm hậu cung đình, mới tôn vinh công lao ông. Trong hậu cung đình hiện vẫn còn đôi câu đối nói về việc này :
Tục truyền Hoàng Bảng, Kim Bảng lưỡng thôn, bất tường quyết hậu hà niên hợp nhất vi xã trung cự ấp,
Đình phụng giang thần, địa thần nhị vị, truy cảm sở di cố chỉ tái phụ dĩ hương nhân phủ sinh.
(Truyền rằng Hoàng Bảng, Kim Bảng hai thôn không rõ năm nào nhập xã thành làng lớn,
Đình thờ thần đất, thần sông, nhưng vẫn nhớ tới công ơn của người làng là vị Phủ sinh).
Ngoài ra, để tri ân vị Phủ sinh đã hiến đất dựng đình, hàng năm, trong dịp tế thần chính vào ngày 12 tháng Hai, người chủ tế sau lời mời hai vị thành hoàng, còn có lời mời “Kính phụng Đình cơ nguyên chủ bản phủ Phủ sinh” về dự hội với dân làng.


Đầu thế kỷ XX, theo hàng chữ trên nóc, đình được tu bổ lớn, hoàn thành vào ngày 19 tháng Chạp năm Quý Sửu đời Duy Tân (15 - 01 - 1914). Hiện trạng về cấu trúc, kiến trúc đình hiện nay vẫn giữ nguyên sau lần tu bổ lớn này. Đình nhìn hướng tây, cấu trúc chữ “Đinh” (đại đình 3 gian 2 dĩ nối với hậu cung). Đình là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với nhiều bức chạm khắc trên các bức cốn, các kẻ bẩy có phản ánh các mặt của đời sống làng quê, khát vọng hướng tới cuộc sống yên bình, dân giã, bình đẳng của nhân dân, nhất là của phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều mảng điêu khắc bị bong tróc.




Trong đình hiện còn quả chuông Kim Hoàng thôn chung, đúc ngày mồng 2 tháng Sáu năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (21- 7- 1841). Bài văn trên chuông do Trần Trọng Thụ - con trai thứ hai của Tiến sĩ Trần Bá Lãm soạn. Nội dung nói về việc đúc chuông vào thời điểm này; đoạn sau được khắc bổ sung vào ngày 28 tháng Ba năm Tự Đức thứ 34 (26- 4- 1881), nói về quy định đánh chuông (số hồi, tiếng) khi vào các tiết sóc, vọng, tế tự đại lễ, họp công vụ. Đây là quả chuông đình hiếm hoi trong các làng quê Việt ở Bắc Bộ.
Làng có chùa Đại Bi, tọa lạc tại xóm Chùa, kề cận trụ sở ủy ban nhân xã; vốn là chùa chung của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Đến năm Chính Hòa thứ 25 (Giáp Thân, 1704), bà Lê Thị Thu, hiệu Diệu Trí gốc nhà phú hào, quý tộc, quê ở huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa; cùng chồng là Huyện thừa huyện Nghi Dương, tước Cơ Thọ nam, họ Nguyễn, tự là Xuân Thung, hiệu là Trung Tín đã hiến tiền, ruộng cho làng dựng lại chùa .





Trước đây, làng Kim Hoàng có văn chỉ ở đầu cổng Trong, kết hợp thờ Tiên nông. Đến đầu thời Nguyễn, chuyển về cạnh chùa, hiện nay di tích này không còn. Đàn Tiên nông được chuyển về mảnh đất đầu hữu mạc của đình.





Trong làng Kim Hoàng có nhiều nhà thờ các dòng họ, tiêu biểu là nhà thờ họ Trần của Tiến sĩ Trần Hiền (tại đây có bia năm Cảnh Hưng thứ 39 - 1778 ghi việc các học trò của ông góp tiền mua ruộng để làm giỗ thầy vào ngày 15 tháng Ba), nhà thờ họ Lý của Tiến sĩ Lý Trần Quán (còn lưu 6 đạo sắc phong cho Lý Trần Quán, thân phụ và vợ của ông). Tại khuôn viên trụ sở Ủy ban nhân dân xã còn mộ của Lý Trần Quán - vị tiến sĩ được coi là biểu tượng cho lòng hiếu nghĩa và trung quân .


Lễ tiết chính của làng vào tháng Hai, trước đây diễn ra trong 5 ngày, từ ngày mồng 9 đến ngày 13 lễ tế của sáu giáp, mỗi giáp có một con lợn do người đến lượt phải nuôi trong năm, có ruộng của giáp phụ trợ. Trong hội có lệ thi dệt vải giữa các giáp tại sân đình.
Nằm trong “Tứ danh hương: Mỗ - La - Canh - Cót”, làng Kim Hoàng có 4 người đỗ đại khoa (học vị tiến sĩ), 1 người đỗ khoa Hoành từ, 3 người đỗ khoa Sĩ vọng, 30 người đỗ trung khoa (hương cống, cử nhân). Các vị đỗ tiến sĩ là Trần Hiền (khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức, 1733), Lý Trần Quán (khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng, 1766), Lý Trần Dự (em Lý Trần Quán, đỗ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng, 1769), Trần Bá Lãm (Tiến sĩ Chế khoa, khoa Đinh Mùi 1787). Nổi tiếng về đỗ đạt là họ Trần, cha con, ông cháu nối đời đỗ với 2 tiến sĩ, 13 hương cống, cử nhân.
Ngày nay, truyền thống “Tứ danh hương” của Kim Hoàng được phát huy với nhiều nhà văn hóa, khoa học tài ba như Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1921 - 1988), nổi tiếng với những bức tranh về phố phường Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giáo sư Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu, nổi tiếng với việc chữa bệnh bằng châm cứu, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội châm cứu thế giới; Giáo sư Sử học Văn Tân (1913 - 1988), nổi tiếng với các công trình nghiên cứu sử học và từ điển; Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, Nhà giáo nhân dân, Đại tá, Nguyên Viện trưởng Viện Quân y 108 Bùi Xuân Tám có hơn 100 công trình nghiên cứu về bệnh phổi. Ngoài ra còn có Giáo sư Tiến sĩ Hóa học Trần Thị Sáu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học Bùi Doãn Trọng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý học Bùi Doãn Tuất và nhiều vị khác.
Làng Kim Hoàng có cơ sở cách mạng từ rất sơm, là một điểm trong ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 19 - 8 - 1945, từ đình Kim Hoàng, lực lượng cách mạng phủ Hoài Đức dưới sự chỉ huy của bà Trương Thị Mỹ tiến ra Hà Nội, tham gia giành chính quyền; sau đó về giành chính quyền tại phủ lỵ Hoài Đức đóng ở Tây Tựu, rồi khẩn trương trở về đình Kim Hoàng, thành lập Ủy ban cách mạng lầm thời huyện Hoài Đức.

-- Tư liệu và hình ảnh do bạn Trần Tuấn Anh biên soạn.​


Hòm thư góp ý: [email protected]
Xin cảm ơn
Bạn cần đăng nhập để trả lời Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc tích điểm trong diễn đàn này

Archiver|Mobile|Vân Canh

GMT+7, 5-12-2024 02:10 , Processed in 0.067055 second(s), 23 queries .

Powered by Discuz! X3.5

© 2001-2024 Discuz! Team

Trả lời nhanh Lên đầu trang Quay lại danh sách