|
Chùa Hậu Ái có từ trước năm 1733.
Tên chữ: Đại Ý Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2013)
Lược sử
Vùng Canh hình thành muộn nhất cũng từ thời Lý và tên xã Vân Canh đã xuất hiện vào thời Lê sơ. Xưa kia vùng này đã nổi tiếng về truyền thống khoa bảng như một trong "tứ danh hương" ở ven đô với 4 tổng có tên nôm là Mỗ, La, Canh, Cót. Ngày nay xã gồm 3 thôn: Kim Hoàng, An Trai và Hậu Ái (Nhân Ái); thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Hậu Ái là một thôn rất cổ, theo nội dung tấm bia từ Văn chỉ chuyển về dựng ở cửa đình, thôn này từng sinh ra 9 người đỗ đại khoa từ thời Lý đến thời Nguyễn. Đỗ Kính Tu là người đầu tiên và đã đỗ đầu khoa thi Tam giáo đời Lý Anh Tông (1138 - 1175). Ngài làm đến chức Thái uý, sau tự vẫn vì bị vu cáo, lăng mộ hiện còn ở ngoài đồng.
Chùa làng Hậu Ái tên chữ là Đại Ý Tự. Căn cứ vào tấm bia "Hậu Phật bi ký" còn lưu lại nơi đây có thể đoán rằng chùa được xây từ trước năm 1733. Ngày 18 tháng 2 năm 2013 UBND TP Hà Nội đã xếp hạng chùa Hậu Ái là một Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Kiến trúc
Chùa Đại Ý cỏ từ thời Lê và đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo. Sau lần trùng tu năm 1993 dáng vẻ chủ yếu vẫn mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Chùa toạ lạc ở ven con đường DT143 nối ngã tư Canh với ngã tư Sơn Đồng. Mặt tiền khá hẹp nhưng khuôn viên dài và nở hậu. Tam quan nằm cạnh gốc đa, gồm 3 cửa vòm quay về phía tây-nam, không có gác chuông, khoang giữa xây hai tầng tám mái, tất cả đều đắp ngói ống giả.
Từ cổ̉ng vào theo một con đường thẳng lát gạch đỏ, khách đi giữa hai hàng cau gầy cao vút đến sân trước, bên trái có nếp nhà khách 5 gian đối diện với phần đất bị lấn chiếm đã trở thành nhà dân. Toà tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Bên trái là ao và cánh đồng, bên phải là nhà tổ hình chuôi vồ cũng 5 gian, mặt nhìn ra phía đông-nam nơi có cổng hậu.
Di sản
Trong chùa Đại Ý hiện lưu giữ được một bia đá đề 4 tên "Hậu Phật Bi Ký". Tấm bia khá nhỏ, mỗi mặt có 7 hàng chữ, mỗi hàng chỉ gồm 20 chữ. Bia được dựng ngày 12 tháng Ba năm Long Đức thứ hai (1733), về sau được lập lại ngày mồng 7 tháng Ba năm Minh Mệnh thứ sáu (1825). Nội dung văn bia ghi về việc vào niên hiệu Long Đức (1732-1734), bà Lê Thị, hiệu Từ Trí, vợ một viên Cẩn Sự Tá Long đã cúng cho làng 1 mẫu 9 sào ruộng, được dân sở tại tôn làm Hậu Phật.
Hệ thống tượng Phật giáo trong chùa khá đầy đủ và đã được tô lại. Ngoài ra còn một quả chuông đồng, trên đó có bài minh "Đại Ý Tự Chung" (chuông chùa Đại Ý) được khắc ngày 17 tháng Một năm Bính Thân niên hiệu Minh Mệnh (1836). Nội dung ghi việc đúc lại chuông và danh sách công đức, trong đó có Tuần phủ Hưng Hóa và cả nhiều người sống ở các phường thuộc tỉnh Hà Nội như Diên Hưng, Hà Khẩu
|
|